Hạn hán?

Đăng 19-03-2014 08:10 bởi Admin tại mục Hạn hán (cập nhật lúc 19-03-2014 15:57)

Hinh-anh

Hạn hán là hiện tượng lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh...
1.Hạn hán là gì?
Hạn hán là hiện tượng lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh...
Hình 1: Vét từng giọt nước nơi khô hạn nứt nẻ
2. Những nguyên nhân nào gây ra hạn hán?
Nguyên nhân gây ra hạn hán có nhiều song tập trung chủ yếu là 2 nguyên nhân chính:
Nguyên nhân khách quan: Do khí hậu thời tiết bất thường gây nên lượng mưa thường xuyên ít ỏi hoặc nhất thời thiếu hụt.
- Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn. Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.
- Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian nhất định trước đó không mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sản xuất và môi trường xung quanh. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt về mưa giữa mùa mưa và mùa khô. Bản chất và tác động của hạn hán gắn liền với định loại về hạn hán.
Nguyên nhân chủ quan: Do con người gây ra, trước hết là do tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước; thêm vào đó công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng... Vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước (nguồn nước tự nhiên) lại bố trí xây dựng công trình lớn. Cạnh đó, chất lượng thiết kế, thi công công trình chưa được hiện đại hóa và không phù hợp. Thêm nữa, hạn hán thiếu nước trong mùa khô (mùa kiệt) là do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng do sự phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực, các vùng chưa có quy hoạch hợp lý hoặc quy hoạch phát triển không phù hợp với mức độ phát triển nguồn nước, không hài hoà với tự nhiên, môi trường vốn vẫn tồn tại lâu nay. Mức độ nghiêm trọng của hạn hán thiếu nước càng tăng cao do nguồn nước dễ bị tổn thương, suy thoái lại chịu tác động mạnh của con người.
3. Hạn hán được phân loại như thế nào?
Theo tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hạn hán được phân ra 4 loại: hạn khí tượng, hạn nông nghiệp, hạn thuỷ văn và hạn kinh tế xã hội.
a. Thế nào là hạn khí tượng?
Thiếu hụt nước trong cán cân lượng mưa, lượng bốc hơi, nhất là trong trường hợp liên tục mất mưa. Ở đây lượng mưa tiêu biểu cho phần thu và lượng bốc hơi tiêu biểu cho phần chi của cán cân nước. Do lượng bốc hơi đồng biến với cường độ bức xạ, nhiệt độ, tốc độ gió và nghịch biến với độ ẩm nên hạn hán gia tăng khi nắng nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh, thời tiết khô ráo.
b. Thế nào là hạn nông nghiệp?
Thiếu hụt mưa dẫn tới mất cân bằng giữa hàm lượng nước thực tế trong đất và nhu cầu nước của cây trồng. Hạn nông nghiệp thực chất là hạn sinh lý được xác định bởi điều kiện nước thích nghi hoặc không thích nghi của cây trồng, hệ canh tác nông nghiệp, thảm thực vật tự nhiên... Ngoài lượng mưa ra, hạn nông nghiệp liên quan với nhiều điều kiện tự nhiên (địa hình, đất,...) và điều kiện xã hội (tưới, chế độ canh tác,...).
c. Thế nào là hạn thuỷ văn?
Dòng chảy sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm rõ rệt và mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất hạ thấp. Ngoài lượng mưa ra, hạn thuỷ văn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác: dòng chảy mặt, nước ngầm tầng nông, nước ngầm tầng sâu...
Hình 3: Tình trạng thiếu nước trên sông Hồng vào mùa cạn
d. Thế nào là hạn kinh tế xã hội?
Nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của các hoạt động kinh tế xã hội.
Hình 4. Gùi nước nơi suối cạn
4. Hạn thuỷ văn được xác định như thế nào?
Hạn thuỷ văn được đặc trưng bằng sự suy giảm dòng chảy sông và thiếu hụt các nguồn nước mặt và nước ngầm. Các chỉ tiêu hạn thuỷ văn tiêu biểu bao gồm: Cán cân nước, hệ số khô, hệ số cạn, hệ số hạn.
Cán cân nước: W=G-L
Trong đó: 
W: Lượng nước có trong hệ thống
G: Lượng nước đến
L: Lượng nước tổn thất
- Chỉ số hạn:
Hệ số khô:
Trong đó:
Kkh: Hệ số khô
R: Lượng mưa
E: Lượng bốc hơi khả năng
Hệ số cạn
Trong đó:
Kc: Hệ số cạn
Qi: Lưu lượng thời đoạn i của năm j
Qj: Lưu lượng năm
Q0: Lưu lượng trung bình nhiều năm
Hệ số hạn
Trong đó:
Kh: Hệ số hạn
Có thể phân định 3 cấp hạn theo Kh
Hạn nhẹ: Kh<0,6
Hạn vừa: 0,6 <= Kh<= 1
Hạn nặng: Kh > 1
Theo chuyên gia hạn hán của tố chức Khí tượng thế giới, một vùng được coi là khô hạn khi lượng mưa cả năm không đến 250mm và là bán khô hạn khi lượng mưa đó không đến 500mm.
Để đánh giá mức độ khô hạn người ta còn dùng chỉ số cấp nước mặt SWSI. Chỉ số SWSI được tính với thời đoạn tháng và có giá trị trong khoảng từ -4,2 đến 4,2. Giá trị âm thể hiện mức độ thiếu nước, giá trị càng nhỏ mức độ khô hạn càng khốc liệt. Giá trị dương thể hiện tình trạng dư thừa nước.
 
Bảng phân cấp hạn theo SWSI

 

SWSI Tình trạng cấp nước
>= -4 Hạn cực nặng
-4 ÷ -3 Hạn rất nặng
-2,9 ÷ -2 Hạn vừa
-1,9 ÷ -1 Hơi khô
-0,9 ÷ 0,9 Gần như bình thường
1 ÷ 1,9 Hơi ẩm
2 ÷ 2,9 Ẩm vừa
3 ÷ 4 Rất ẩm
>4 Cực ẩm
5. Hạn hán được đặc trưng bằng gì?
Để mô tả khái quát tình hình chung về hạn hán trong các khu vực và diễn biến theo thời gian của chúng, người ta đã sử dụng chỉ số khô hạn các tháng và năm:
Ở đây:
Kt: chỉ số khô hạn tháng (năm)
Pt: Lượng bốc hơi theo Piche tháng (năm)
Rt: Lượng mưa tháng (năm)

a. Thế nào là hạn tháng?
Hạn hán trong một tháng nào đó của 12 tháng trong chu kỳ năm được ký hiệu là H(th)t xảy ra khi:
R(th)t <= C(th)
Ở đây:
R(th)t: Lượng mưa tháng t
C(th): Tiêu chuẩn hạn của lượng mưa tháng
Với lượng mưa cả tháng bằng hoặc ít hơn 30mm mới được coi là tháng hạn. Như vậy tần suất hạn theo tháng ký hiệu là P(th) được xác định bằng:
Ở đây:
m(th): Số lần quan trắc được hạn tháng
n(th): Số lần quan trắc lượng mưa tháng
b. Thế nào là hạn tuần?
Theo thông lệ, tuần là 10 ngày trong 20 ngày đầu của tháng và 10 hoặc 11 ngày cuối tháng, có khi là 8 hoặc 9 ngày đối với tháng 2. Hạn hán trong một tuần nào đó trong số 36 tuần của cả năm được ký hiệu là H(t)t xảy ra khi:
R(t)t <= Ct
Ở đây:
R(t)t: Lượng mưa tuần t
C(t): Tiêu chuẩn hạn của lượng mưa tuần
Cũng dựa trên kết quả thực nghiệm có thể chọn C(t) là 10mm.
Tương tự như tần suất hạn tháng, P(t) được gọi là tần suất hạn theo tuần được xác định bằng:
Ở đây:
m(t): Số lần quan trắc được hạn tuần.
n(t): Số lần quan trắc lượng mưa tuần.
Các nhóm khu vực về đặc trưng khô hạn phổ biến tại Việt Nam  
Nhóm khu vực Khu vực Mùa khô hạn phổ biến
 Bắc bộ Tây Bắc XI-IV
Việt Bắc
XI - III
Đồng bằng Bắc Bộ XI-III
Trung Bộ Bắc Trung Bộ IV-VIII
Nam Trung Bộ II-VIII
Tây Nguyên Tây Nguyên XI-IV
Nam Bộ Nam Bộ XII - IV
6. Những tác hại của hạn hán và những năm hạn hán ảnh hưởng đến Việt Nam
Hạn hán có tác động to lớn đến môi trường, kinh tế, chính trị xã hội và sức khoẻ con người. Hạn hán là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bệnh tật thậm chí là chiến tranh do xung đột nguồn nước.
Hạn hán tác động đến môi trường như huỷ hoại các loài thực vật, các loài động vật, quần cư hoang dã, làm giảm chất lượng không khí, nước, làm cháy rừng, xói lở đất. Các tác động này có thể kéo dài và không khôi phục được.
Hạn hán tác động đến kinh tế xã hội như giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, giảm sản lượng cây trồng, chủ yếu là sản lượng cây lương thực. Tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, giảm thu nhập của lao động nông nghiệp. Tăng giá thành và giá cả các lương thực. Giảm tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. Các nhà máy thuỷ điện gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành.
Ở Việt Nam, hạn hán xảy ra ở vùng này hay vùng khác với mức độ và thời gian khác nhau, gây ra những thiệt hại to lớn đối với kinh tế-xã hội, đặc biệt là nguồn nước và sản xuất nông nghiệp.
Trong vòng 40 năm qua, có không ít những năm hạn nặng và hạn nghiêm trọng. Ở Bắc Bộ những năm xảy ra hạn nặng vào vụ đông xuân là 1959,1961, 1970, 1984, 1986, 1989, 1993, 1998 và vào vụ hè là: 1960, 1961, 1963, 1964. Trung Bộ và Nam Bộ có hạn trong các năm 1983, 1987, 1988, 1990, 1992, 1993, 2003, 2004 đặc biệt hạn rất nghiêm trọng vào năm 1993 và năm 1998.
7. Một số đợt hạn hán điển hình trong những năm gần đây
7.1. Thiên tai hạn hán thiếu nước năm 1992-1993
Thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa vào cuối năm 1992 gây hạn hán thiếu nước cho sản xuất và dân sinh trong năm 1993. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thiếu hụt mưa so với TBNN tới 30-70%, có nơi 100% từ tháng 8-11/1992 và tới 40-60% trong những tháng đầu năm 1993 (7 tháng đầu năm 1993, mưa bằng 25-40% TBNN), đã gây ra hạn hán ngay cuối vụ mùa năm 1992. Đầu năm 1993, dự trữ nguồn nước trong đất, sông suối và ở các hồ chứa rất ít. Hạn hán thiếu nước nghiêm trọng trong vụ đông xuân 1992-1993, hè thu 1993, ở hầu hết các vùng. Tổng diện tích lúa đông xuân bị hạn trên 176.000ha (bị chết trên 22.000ha).
Mực nước trên các sông đều thấp hơn TBNN từ 0,1-0,5m. Mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, từ 10-20km, có lúc tới 30km. Tháng 7/1993, mực nước các hồ chứa lớn đều ở dưới mức nước chết vẫn được tiếp tục khai thác chống hạn. Các hồ chứa vừa và nhỏ đều cạn kiệt.
Hạn hán tác động mạnh nhất đến nông nghiệp các tỉnh Thanh Hoá - Bình Thuận (gần 1/2 diện tích lúa vụ hè thu năm 1993 bị hạn, bị chết 24.093 ha. Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ít gay gắt hơn.
7.2.Thiên tai hạn hán thiếu nước năm 1997-1998
Mùa mưa năm 1997 kết thúc sớm hơn 1 tháng; 6 tháng đầu năm 1998 lượng mưa bình quân chỉ đạt từ 30-70% cùng kỳ; vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không mưa vào các tháng 3-6/1998; Trung Bộ hầu như không mưa trong tháng 6-9/1998. Nhiệt độ các tháng đầu năm 1998 đều cao hơn TBNN từ 1-3oC. Các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra liên tục và kéo dài từ 15-29 ngày trong tháng 3, 4, 5/1998 ở Nam Bộ và tháng 6, 7, 8/1998 ở Trung Bộ. Mực nước các sông lớn đều thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-1,5m. Đến đầu tháng 4/1998, các sông suối nhỏ ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dòng chảy rất nhỏ hoặc khô hạn. Một số hồ vừa và toàn bộ hồ nhỏ đều khô cạn (Nghệ An có 579 hồ, Quảng Bình 110 hồ, Quảng Trị 85 hồ,...). Mực nước các hồ chứa lớn và một số hồ chứa vừa khác xấp xỉ mực nước chết. Mặn xâm nhập sâu 15-20km vào nội đồng ở Miền Trung và Nam Bộ. Nhiều nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cấp nước tưới và sinh hoạt.
Hạn hán, thiếu nước mùa khô 1997-1998 nghiêm trọng nhất, hầu như bao trùm cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng: Lúa đông xuân, hè thu, lúa mùa bị hạn trên 750.000ha (mất trắng trên 120.000ha); cây công nghiệp và cây ăn quả bị hạn trên 236.000ha (bị chết gần 51.000ha); 3,1 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Tổng số thiệt hại về kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng. Chính phủ đã phải trợ giúp hàng chục tỷ đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho 18 tỉnh. Những thiệt hại khác chưa thống kê và tính toán hết được như vấn đề kinh tế, môi trường, xói mòn, sa mạc hoá, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, khủng hoảng tinh thần và giảm sút sức khoẻ của hàng triệu người.
Hình 5: Bản đồ hạn hán năm 1993
Năm 2001, các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị là những tỉnh bị hạn nghiêm trọng. Các tháng 6 và 7 hầu như không mưa. Chỉ riêng ở Phú Yên, hạn hán đã gây thiệt hại cho 7200 ha mía, 500 ha sắn, 225 ha lúa nước và 300 ha lúa nương.
Hình 6: Hạn vụ Đông Xuân 1998 - 1999
Hình 7: Bản đồ hạn hán năm 1998
Trong 6 tháng đầu năm 2002, hạn hán nghiêm trọng đã diễn ra ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ gây thiệt hại về mùa màng, gây cháy rừng trên diện rộng, trong đó có cháy rừng lớn ở các khu rừng tự nhiên U Minh thượng và U Minh hạ.
Những tháng trước mùa mưa năm 2003, hạn hán bao trùm hầu khắp Tay Nguyên, gây thiệt hại cho khoảng 300 ha lúa ở Kon Tum, 3000 ha lúa ở Gia Lai và 50.000 ha đất canh tác ở Đắk Lắc; thiếu nước cấp cho sinh hoạt của 100.000 hộ dân. Chỉ tính riêng cho Đắk Lắc, tổng thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng.
Hạn hán thiếu nước năm 2004-2005 xảy ra trên diện rộng nhưng không nghiêm trọng như năm 1997-1998. Ở Bắc Bộ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vào đầu tháng 3 xuống mức 1,72 m thấp nhất kể từ năm 1963 đến năm 2005. Ở Miền Trung và Tây Nguyên, nắng nóng kéo dài, dòng chảy trên các sông suối ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số suối cạn kiệt hoàn toàn; nhiều hồ, đập dâng hết khả năng cấp nước.
Ninh Thuận là địa phương bị hạn hán thiếu nước khốc liệt nhất trong vòng 20 năm qua, chủ yếu do mưa ít, lượng mưa trong 4 tháng (từ tháng 11/2004 đến tháng 2/2005) chỉ bằng khoảng 41% TBNN; các sông suối, ao hồ đều khô cạn, chỉ có hồ Tân Giang còn khoảng 500.000 m3 nước nhưng ở dưới mực nước chết, hồ thuỷ điện Đa Nhim- nguồn cung cấp nước chủ yếu cho Ninh Thuận, cũng chỉ còn 1/3 dung tích so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 47.220 người thiếu nước sinh hoạt.
Tại Bình Thuận, tháng 11/2004 đến 2/2005 hầu như không mưa. Mực nước trên các triền sông gần như cạn kiệt, lượng dòng chảy còn lại rất nhỏ; sông Dinh, sông Lòng Thương bị cạn khô. Mực nước các hồ trong tỉnh đều thấp hơn mực nước chết từ 1,70 đến 2,2 m. Toàn bộ lượng nước còn lại trong các hồ chứa không đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc. Hạn hán thiếu nước làm gần 50 ngàn người thiếu nước sinh hoạt, 16.790 hộ thiếu đói, khoảng 123.800 con bò thiếu thức ăn và trên 89.000 bò, dê, cừu thiếu nước uống.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối tháng 4 năm 2005, tổng thiệt hại do hạn hán gây ra ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã lên tới trên 1.700 tỷ đồng. Chính phủ phải cấp 100 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán thiếu nước và 1500 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân.
Vùng ĐBSCL, thiệt hại do hạn hán, xâm mặn tới 720 tỷ đồng. Trên sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, sông Hậu, mặn xâm nhập sâu từ 60–80 km. Riêng sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập sâu tới mức kỷ lục: 120- 140km.
8. Tác động của hạn hán đối nguồn nước như thế nào?
Tài nguyên nước bao gồm nước tàng trữ trên mặt đất (nước mặt) và nước trong lòng đất (nước ngầm hay nước dưới đất). Nước mặt ở trong sông , ngòi, ao, hồ... và nước ở dưới đất là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho sản xuất, ăn uống, sinh hoạt của con người. Ở nước ta, mưa là nguồn cung cấp chính của nước sông ngòi, ao, hồ và nước dưới đất. Khi hạn hán xảy ra nước trong sông ngòi, ao, hồ, và nước dưới đất cạn kiệt, không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và duy trì phát triển bền vững của môi trường sinh thái. Như vậy, từ hạn khí tượng dẫn đến hạn thuỷ văn, hạn nông nghiệp. Để đánh giá tác động của hạn hán đối với nguồn nước, cần thiết phải làm sáng tỏ diễn biến của dòng chảy sông ngòi (lượng nước sông), thành phần chủ yếu của nguồn nước mặt. Hạn hán thường xảy ra trong mùa cạn vì mùa cạn là thời kỳ mưa ít, tổng lượng dòng chảy sông suối cạn kiệt, trong khi lượng nước dùng cho sản xuất và sinh hoạt lại rất lớn. Hạn thuỷ văn chủ yếu là sự thiếu hụt lượng dòng chảy sông ngòi trong một thời kỳ nào đó (năm, mùa, tháng...) so với trung bình nhiều năm. Sự thiếu hụt này có thể được biểu thị bằng tỷ số k dưới đây:
 
Trong đó:
Qi: Lượng dòng chảy trong thời kỳ nào đó của năm thứ i
Qtb: Lượng dòng chảy trung bình nhiều năm trong cùng thời kỳ
9. Hạn được dự báo và phòng chống như thế nào?
Theo dõi hạn: Nước ta có một mạng lưới gần 200 trạm khí tượng mặt đất và gần 1000 trạm đo mưa, trong đó có một số trạm tự động. Lượng mưa và yếu tố khí tượng liên quan đến hạn hán đều được các trạm theo dõi, quan trắc, tính toán cập nhật và phát hiện những biến động bất thường, đặc biệt các dấu hiệu thiếu hụt lượng mưa trên từng từng khu vực. Chúng ta cũng có trạm thu ảnh mây vệ tinh phân giải cao, theo dõi biến đổi của thảm cây cỏ, dấu hiệu quan trọng hàng đầu và diễn biến của hạn. Chỉ số thảm thực vật có khả năng phản ánh tác động của hạn đến nhiều chỉ số khác nhau có liên quan đến nước: độ ẩm của đất, dòng chảy trên sông, mực nước ngầm...
Dự báo hạn: Khác với các thiên tai khác, hạn phát triển chậm và thường chỉ được phát hiện khi con người đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hạn. Cho đến nay người ta chưa tìm được mô hình hoặc một công nghệ dự báo hạn có độ chính xác mong muốn. Tuy nhiên các nhà khoa học đã phác họa được một vài căn cứ khoa học quan trọng giúp ích cho dự báo hạn như:
- Tương tác đại dương khí quyển và hiện tượng Elnino. Các Elnino và Lanina xảy ra ở vùng xích đạo nhiệt đới Thái Bình Dương có quan hệ chặt chẽ với sự tăng hay giảm mạnh mẽ lượng mưa ở các khu vực xung quanh Thái Bình Dương, đặc biệt đối với những khu vực thuộc nhiệt đới. Ở nước ta hiệu ứng Elnino có xu hướng tăng cường khả năng hạn hán trên một số khu vực.
- Áp cao phó nhiệt đới Thái Bình Dương
Sự khống chế của hệ thống áp cao gắn liền với thời kỳ ít mưa. Đối với những khu vực nhất định, hạn hán hình thành và kéo dài khi áp cao Thái Bình Dương phát triển trên phần lớn đại dương nhiệt đới. Người ta bắt đầu xây dựng và đưa vào thử nghiệm một số mô hình dự báo thời tiết hạn dài, cảnh báo hạn hán dựa trên quá trình vận động của các trung tâm khí áp, trong đó có áp cao phó nhiệt đới Thái Bình Dương.
Phòng chống hạn: Mặc dù hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Chúng ta cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả là trồng rừng và bảo vệ rừng.
10. Định hướng giải pháp phòng chống hạn hán trên quan điểm quản lý tài nguyên nước
Nhìn chung, những vùng có nguy cơ bị hạn hánthiếu nước nghiêm trọng thường có các đặc điểm: địa hình cao, dốc, sông ngắn, dòng mặt thoát khá nhanh ra dòng chính hoặc ra biển; đất đá có khả năng chứa nước kém và không đều, phần đồng bằng ven biển thì tầng chứa nước mỏng và dễ bị nhiễm mặn, lượng mưa nhỏ và lượng bốc hơi rất lớn hoặc nguồn nước đang bị khai thác quá mức. Vì vậy, để giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước cũng như phòng chống các tác hại do nước gây ra một cách lâu dài, bền vững cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp chủ yếu sau:
• Xây dựng quy hoạch tổng hợp về tài nguyên nước lưu vực sông, vùng trọng điểm. Căn cứ quy hoạch, các ngành, địa phương lập kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước trên phạm vi của mình; Việc xây dựng, nâng cấp các công trình khai thác, sử dụng nước phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng tổng hợp, tuân theo quy hoạch khung của toàn lưu vực và của từng tiểu lưu vực để bảo đảm công bằng và nâng cao hiệu quả trong sử dụng nước, góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông;
• Quy hoạch phát triển nguồn nước, bao gồm các biện pháp công trình và phi công trình; gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng và khả năng tái tạo nguồn nước. Việc xây dựng công trình trữ, giữ nước, điều hoà phân phối hợp lý nguồn nước khi kết hợp chống lũ và cấp nước phục vụ sử dụng tổng hợp, cho nhiều mục đích và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phát triển rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn,.. là những giải pháp cần ưu tiên trong thực hiện. Phải gắn kết chặt chẽ việc phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh về nước, đồng bộ với phát triển nguồn nước;
• Lập kế hoạch điều hoà, phân phối tài nguyên nước cho từng lưu vực sông trên cơ sở cân đối khả năng nguồn nước và nhu cầu khai thác, sử dụng theo lưu vực sông, các ngành, địa phương phải tuân thủ kế hoạch điều hoà phân phối tài nguyên nước trong lưu vực; Tăng cường công tác quản lý nhu cầu dùng nước; có cơ chế để bảo đảm dùng nước có hiệu quả cao nhất và đủ nguồn nước trong năm.
• Xây dựng chính sách, cơ chế quản lý, vận hành, điều hoà phân phối nguồn nước các hồ chứa lớn đa mục tiêu để tạo một nguồn cung cấp an toàn và hiệu quả cao nhất phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành, địa phương trong mùa cạn kết hợp với phòng chống lũ, bảo đảm duy trì chế độ dòng chảy trên các sông chính trong vùng;
• Xây dựng chính sách quy định thứ tự ưu tiên chia sẻ nguồn nước theo đối tượngủư dụng nhằm bảo đảm lợi ích chung (sinh hoạt, chăn nuôi, thuỷ sản, nông nghiệp, công nghiệp…) và theo mức độ hạn hán thiếu nước;
• Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, trước hết là thực hiện tốt việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đây là một công cụ hữu hiệu để quản lý tổng hợp nguồn nước vì lợi ích chung của toàn xã hội;
• Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp với khả năng nguồn nước ở mỗi vùng mỗi lưu vực sông, điều kiện tự nhiên. Xây dựng các mô hình với các loại cây, con đã được thử nghiệm có khả năng chịu khô hạn, tiêu thụ ít nước. ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế hiệu quả và giá trị cao;
• Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các vùng có nguy cơ hạn hán thiếu nước ở mức cao để khai thác nước dưới đất làm phương án dự phòng cấp nước trong thời kỳ hạn hán thiếu nước;
• Nghiên cứu giải pháp bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất và gây mưa nhân tạo trong những vùng hạn hán thường xuyên;
• Khuyến khích các kỹ thuật và công nghệ thúc đẩy việc dùng nước tiết kiệm, sử dụng tuần hoàn, tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm nước;
• Xây dựng cơ chế, bộ máy làm công tác quản lý hạn hán thiếu nước nói riêng và quản lý thiên tai nói chung. Dự báo, dự kiến diễn biến nguồn nước hàng năm khi xét các yếu tố ảnh hưởng như phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng khai thác, sử dụng; khả năng suy thoái nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chúng ta có đủ nước. Chỉ lo không biết bảo vệ, bảo tồn, giữ, trữ nước và phân phối hợp lý trong năm cho các nhu cầu sử dụng.
 
 
 
Lại Thị Lương - Sưu tầm
Nguồn Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

 

Đã xem 40409 lần BackPrintTop
Bài viết khác:
Thời tiết trong nước
Nha Trangi23-29°C TP Vinhi21-26°C
Đà Nẵngi23-26°C TP Hồ Chí Minhi23-28°C
Hà Nộii20-24°C Cần Thơi24-31°C
Thời tiết quốc tế
Ảnh Ra đa
anh rada
Ảnh vệ tinh
anh ve tinh
Mô hình DB
mo hinh du bao
Hỗ trợ trực tuyến

 lien he 01 
Phòng Thông tin và Dữ liệu. Điện thoại: 058.3829639
Mobile: 0935560234
Bài viết mới
Hình ảnh
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy vanGiao hữu cầu lông
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy vanảnh 3