Xu thế thời tiết gây mưa lớn
Từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 11 năm 2016, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tiếp tục tăng cường xuống phía Nam; nhiễu động trong đới gió Đông trên cao ở rìa Nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới; kết hợp hoàn lưu phía Bắc của ATNĐ. Khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 130- 250mm; riêng tại Tân Mỹ là: 374.9mm.
Tình hình lũ lớn, phức tạp
Các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện một đợt lũ lớn: Trên sông Cái Phan Rang tại trạm Tân Mỹ đạt đỉnh lũ cao nhất là: 38.85m, trên BĐIII 0.85m lúc 04 giờ ngày 05/11; tại trạm Phan Rang đạt đỉnh lũ cao nhất là: 3.60m, trên BĐII 0.10m lúc 08 giờ ngày 05/11. Trên sông Lu tại trạm Phước Hà; Phước Hữu mực nước lũ dao động ở mức xấp xỉ BĐII.
Từ 19 giờ ngày 02/11, mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận duy trì ở mức bình thường, đều ở mức dưới BĐI.
Từ 01 giờ ngày 03/11, mực nước bắt đầu tăng đến 06 giờ tại Tân Mỹ vượt BĐI và tiếp tục tăng với cường suất trung bình 0.21m/giờ; tới 14 giờ đạt đỉnh lũ lần thứ nhất là: 38.54m, trên BĐIII 0.54m; sau đó giảm chậm. Tại Phan Rang vượt BĐI lúc 15 giờ ngày 03/11 và tiếp tục tăng. Trên sông Lu tại Phước Hà, Phước Hữu mực nước lũ lên và dao động ở mức BĐI đến BĐII.
Từ 23 giờ ngày 03/11, mực nước Tân Mỹ lên lại với cường suất trung bình 0.23m/giờ; tới 04 giờ ngày 04/11 đạt đỉnh lũ lần thứ hai là: 38.85m, trên BĐIII 0.85m; sau đó giảm dần. Tại Phan Rang lúc 08 giờ ngày 04/11 đạt đỉnh lũ là: 3.60m, trên BĐII 0.10m. Trên sông Lu tại Phước Hà, Phước Hữu mực nước lũ dao động ở mức BĐI đến BĐII, có lúc trên BĐII.
Từ 17 giờ ngày 05/11, mực nước Tân Mỹ lên lại với cường suất trung bình 0.48m/giờ; tới 20 giờ ngày 05/11 đạt đỉnh lũ lần thứ ba là: 37.24m, trên BĐII 0.24m; sau đó giảm chậm. Tại Phan Rang lúc 00 giờ ngày 06/11 đạt đỉnh lũ là: 2.73m, trên BĐI 0.23m. Trên sông Lu tại Phước Hà, Phước Hữu mực nước lũ dao động ở mức BĐI đến BĐII, có lúc trên BĐII.
Tình hình thiệt hại: (Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng)
Về nhà ở: Nhà bị sập, sạt vách, hư hỏng, tốc mái : 62 cái; nhà bị ngập lụt : 250 cái .
Về sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích bị ngập: 2.695,42 ha ; đất sản xuất bị sạt lở : 9.000 m2;gia súc chết: 04 con.
Về thủy sản: Diện tích tôm nuôi bị mất trắng: 4,5 ha; cá nuôi bị mất trắng : 1,4 ha.
Về giao thông: Nhiều đoạn trên các tuyến đường tỉnh 701, 706, 707 và nhiều đoạn đường liên thôn liên xã bị sạt lở hư hỏng:
Về thủy lợi: Một số công trình bị sạt lở hư hỏng như : Ao chống hạn (Bác Ái); Bờ tràn suối Cò Ke (Thuận Nam); Bờ kè thượng lưu cầu Suối Vang, bờ kè suối Sông Trâu, kênh Bắc và bờ tràn kênh Bắc (Thuận Bắc).
Về sông suối: Bờ suối Kiền Kiền; Bờ suối khu vực Me Cháy (Thuận Bắc).
Tình hình sạt lở bờ sông Dinh: Sạt lở Sông Dinh tại xã Phước Sơn nằm ở phía bờ hữu Sông Dinh phía hạ lưu đập Nha Trinh.
Thiệt hại khác: Sập tườngrào của một số trường học, hộ dân.
Công tác dự báo phục vụ
Ngay từ ngày 01/11 Đài tỉnh đã phát Tin cảnh báo mưa lớn: Lượng mưa từ ngày 3-6 đạt từ 150-250mm. Ngày 02/11 phát 03 Tin cảnh báo mưa lớn. Ngày 03/11 phát 04 Tin cảnh báo mưa lớn. Ngày 04/11 phát 02 Tin cảnh báo mưa lớn. Ngày 04/11 phát 02 Tin cảnh báo mưa lớn.
Lúc 04 giờ ngày 03/11 Đài tỉnh đã phát Tin cảnh báo lũ; trong ngày đã phát 02 Tin lũ và 02 Tin lũ khẩn cấp. Ngày 04/11 đã phát 03 Tin lũ và 02 Tin lũ khẩn cấp. Ngày 05/11 đã phát 02 Tin lũ. Ngày 06/11 đã phát Tin lũ cuối cùng của đợt.
Đây là đợt lũ lớn, diễn biến phức tạp, xuất hiện ba lần đỉnh lũ, cường xuất lũ lên nhanh, xuống chậm. Các bản tin phát hành kịp thời và sát với thực tế tình hình mưa, lũ tại địa phương khu vực tỉnh Ninh Thuận. Đảm bảo đúng các Nghị định, Quy định của chính phủ.
Tổng số bản tin đã phát: 08 Tin cảnh báo mưa lớn; 01 Tin cảnh báo lũ; 08 Tin lũ và 04 Tin lũ khẩn cấp. Trong bản tin đã cụ thể hóa cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tới cấp xã; cảnh vùng lũ lụt, khu vực ngập úng tới cấp huyện, thành phố.
Lực lượng chức năng huyện Ninh Sơn tập trung gia cố đê bao Sông Dinh bị xói lở.
(Ảnh: Công Thử/TTXVN)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG TRÁNH LŨ LỤT
Do mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ, trong đó mưa với tổng lượng mưa từ 51 mm đến 100 mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng mưa trên 100 mm trong 24 giờ là mưa rất to. Sinh ra lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống. Khi nước sông lên cao, vượt qua khỏi bờ, chảy tràn vào các vùng trũng và gây ra ngập trên diện rộng trong một khoảng thời gian nào đó là ngập lụt.
Hiện nay đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ ở Miền Trung. Nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội do thiên tai lũ lụt gây ra; chung ta cần thực hiện một số giải pháp phòng tránh:
Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn;
Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
Ngày 4/11/2016, UBND tỉnh Ninh Thuận họp khẩn cấp triển khai công tác phòng chống mưa, lũ. (Ảnh: Nguyễn Thành/Vietnam+)
Người đưa tin: Đặng Thanh Bình