Vị trí địa lý,Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc cực Nam khu vực Nam Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, điểm cực Bắc: 12009’15" vĩ độ Bắc. Phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, điểm cực Nam: 11018’14" vĩ độ Bắc. Phía Tây giáp tỉnh Lâm Ðồng, điểm cực Tây: 108009’08" kinh độ Ðông. Phía Đông giáp Biển Ðông, điểm cực Ðông: 109014’25" kinh độ Ðông, bờ biển Ninh Thuận dài hơn 105 km, diện tích vùng lãnh hải rộng lớn lên tới 18.000 km2. Với vị trí trên, Ninh Thuận có điều kiện thuận lợi để lưu thông phát triển kinh tế với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Đặc điểm địa hình, Ninh Thuận có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, từ Bắc vào Nam, trong tỉnh vừa có đồi núi, kết hợp trung du và đồng bằng ven biển; phía Tây là những dãy núi như hình cánh cung bao bọc lấy đồng bằng nhỏ hẹp, liền kề là đầm, vịnh và các đảo nhỏ nằm ven bờ. Đa số diện tích Ninh Thuận là đồi núi, với tỷ lệ chiếm 63.2%, đồi gò bán sơn địa chiếm 14.4%, vùng đồng bằng ven biển chiếm 22.4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Đặc điểm gió,tốc độ gió trung bình lànhân tố quan trọng đặc trưng cho chế độ gió.Ninh Thuận chịu ảnh hưởng của hệ thống gió mùa Châu Á, mùa gió mùa mùa hè (gió tây nam) hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, gió mùa mùa đông (gió đông bắc) hoạt động từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tháng chuyển mùa là tháng 4 và tháng 9.Ở Ninh Thuận tốc độ gió trung bình năm trên đất liền vào khoảng 2.6 m/s, với dao động các tháng trong năm từ 1.8 đến 4.1 m/s. Tháng có tốc độ gió trung bình lớn nhất thường vào thời kỳ gió mùa đông bắc hoạt động mạnh (tháng 11, tháng 12, tháng 01 và tháng 02). Đặc biệt khi ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh, bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì tốc độ gió mạnh nhất ngày lên tới 35 m/s (cấp 12), gây thiệt hại rất lớn đối với cây cối, nhà cửa, công trình và tàu thuyền.
Chế độ nhiệt, bức xạ mặt trời là nhân tố chủ yếu tạo nên nền nhiệt và duy trì các đặc trưng của một vùng. Chế độ nhiệt của khí quyển là một yếu tố quan trọng của khí hậu, bị phân hóa mạnh mẽ bởi hoàn lưu khí quyển và địa hình. Nằm trong khu vực nội chí tuyến, với nguồn bức xạ mặt trời dồi dào, nên tỉnh Ninh Thuận có tổng nhiệt hàng năm ở mức cao, dao động từ 9774 - 10180
0C; nhiệt độ trung bình năm ở mức 27.2
oC, đây là nền nhiệt độ lý tưởng để các loài sinh vật phát triển tốt nhất.
Chế độ nắng, nắng là một trong các yếu tố khí hậu được quan trắc bằng độ dài thời gian, nó có quan hệ chặt chẽ với bức xạ mặt trời và bị chi phối trực tiếp bởi lượng mây và loại mây. Thời gian nắng là thời gian mà mặt đất được chiếu xạ trực tiếp bởi bức xạ mặt trời. Tổng số giờ nắng trong năm ở Ninh Thuận lên tới 2810 giờ, trung bình hàng tháng có 234 giờ nắng.
Đặc điểm mưa,mưa là yếu tố chính được nghiên cứu và sử dụng trong khí hậu, một thành phần cơ bản của cán cân nước, là nhân tố chi phối thời vụ, cơ cấu và năng suất cây trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, mưa là nhân tố quan trọng chi phối thời vụ, cơ cấu cây trồng, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đặc điểm mưa trên khu vực tỉnh Ninh Thuận được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, diễn ra khá phức tạp. Trong các nhân tố cơ bản hình thành đặc điểm mưa thì nhân tố hoàn lưu khí quyển và địa hình đóng vai trò chính. Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước, lượng mưa trung bình năm ở mức 918.5mm, lượng mưa tập trung chủ yếu trong 4 tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12) chiếm 66.1% tổng lượng mưa năm, lượng mưa mùa khô (từ tháng 01 đến tháng 8) chỉ chiếm 33.9% tổng lượng mưa năm. Với đặc điểm ít mưa của tỉnh Ninh Thuận là điều kiện để chọn lọc tự nhiên mang đến những sản vật đặc thù riêng có của Ninh Thuận.
Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2; là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, điều kiện khí hậu đặc thù chính là điều kiện thuận lợi để khai thác các lợi thế riêng biệt cho phát triển kinh tế. Tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các ngành kinh tế về năng lượng tái tạo, công nhiệp chế biến, nông nghiệp, và du lịch, dịch vụ đã được quan tâm đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên của địa phương. Sự phát triển của các ngành kinh tế đã giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Chủ trương của Chính phủ về xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đã không ngừng phát triển, đạt kết quả tích cực, góp phần biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận.
Phát triển đồng bộ nghề cá, khai thác và nuôi trồng thủy sản, thực hiện tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; năng lực tàu thuyền được nâng lên, trang thiết bị được đầu tư hiện đại. Ngư trường đánh bắt được mở rộng, tăng sản lượng hải sản, từng bước đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến. Xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đạt kết quả tích cực, đóng góp phần lớn nhu cầu tôm giống cho cả nước, xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Tôm giống Ninh Thuận. Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và phát triển khu nuôi trồng thủy sản được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ; đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm hải sản.
Lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, trong đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển du lịch và dịch vụ biển, tỉnh Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, khai thác lợi thế về du lịch biển; xây dựng các điểm đến, khu vui chơi giải trí, đa dạng các loại hình dịch vụ đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; tỉnh đã ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn, gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch.
Phát triển công nghiệp và đô thị ven biển, được xác định là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp khai thác, chế biến muối và hóa chất từ muối, công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến hải sản;
Chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp ven biển được quan tâm triển khai, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển, nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm; xúc tiến thủ tục đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, nhà máy điện và trung tâm dịch vụ logistics; nhà máy chế biến, kho bãi, công nghiệp phụ trợ;
Chủ trương phát triển kinh tế hàng hải gắn với cảng biển nước sâu được đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án; khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng; thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp. Tỉnh đã triển khai các thủ tục để đầu tư tuyến đường giao thông kết nối và dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa qua cảng.
Với việc khai thác hiệu quả từ những lợi thế tự nhiên đặc thù, tạo sự phát triển bền vững các ngành kinh tế trụ cột như: năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng phát triển đô thị và du lịch. Sự phát triển của Ninh Thuận trong thời gian qua là sự chia sẻ tỉ trọng đóng góp giữa các ngành kinh tế, vượt qua khó khăn của dịch bệnh cùng sự suy thới kinh tế thế giới để tạo nên tăng trưởng dương và hướng tới sự phát triển bền vững. Kinh tế của tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Đảm bảo phát triển ổn định nền kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống, tinh thần người dân./.
Gửi bài: Bùi Văn Thọ, Nguyễn Hồng Quang – Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận.