Đánh giá ban đầu về Biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ

Đăng 11-07-2013 15:30 bởi Admin tại mục Tin khoa học (cập nhật lúc 11-07-2013 15:45)

Hinh-anh

           Biến đổi khí hậu là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất.

1. Những biểu hiện về biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ trong những thập kỷ gần đây

        Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường. Các biểu hiện chính của biến đổi khí hậu là sự biến đổi của lượng mưa, nhiệt độ, nước biển dâng… Trên cơ sở tài liệu thu thập được có thể đánh giá sơ bộ những biểu hiện về biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ trong những năm gần đây như sau:

         Theo số liệu thống kê trong 36 năm (từ năm 1977- 2012), ở khu vực Nam Trung Bộ cho thấy lượng mưa trong từng năm, có năm mưa nhiều có năm mưa ít, tuy nhiên biến trình mưa năm lại có xu thế tăng. Trong thập kỷ qua (từ năm 2000 - 2010) có những năm lượng mưa lớn hơn rất nhiều so với TBNN như năm 2000, 2005, 2007, 2008, 2010. Đặc biệt trong năm 2009, 2010 lượng mưa các nơi cao hơn so với TBNN từ 600 - 1.200mm, có nơi đạt lượng mưa trận lịch sử như Nha Trang là 1.023mm (trong đó ngày mưa lịch sử 30/10/2010 là 363mm), Phan Rang là 757mm, Vân Canh là 856mm (trong 2 ngày)….

 

Biểu đồ biến trình lượng mưa năm ở các địa phương trong khu vực.

          Về nhiệt độ, nhìn chung nhiệt độ trung bình của khu vực có xu hướng tăng, nhiệt độ trung bình 2 thập kỷ gần đây đều cao hơn so với thấp kỷ trước và so với trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,30C. Đặc biệt trong năm 2010, nhiệt độ trung bình cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,70C.C

         Về chế độ thủy văn, theo số liệu điều tra cho thấy lượng dòng chảy trên các sông suối Nam Trung Bộ có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

        Số trận lũ trên các sông cũng tăng lên, đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông cao hơn, cường suất lũ lớn hơn. Điển hình là các trận lũ lịch sử năm 2009, 2010 trên sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng đỉnh lũ đạt 13,47m, trên mức báo động III là 3,97m, trên mức lũ lịch sử năm 1988 (12,47m) là 1,0m; trên sông Cái Nha Trang là 13,42m vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2003 (13,34m) là 0,08m , sông Cái Phan Rang tại trạm Phan Rang là 5,38m vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2003 (5,34m) là 0,04m…

          Trên các sông suối vừa và nhỏ, đã bắt đầu chu kỳ xuất hiện lũ quét, lũ diễn biến nhanh, mang tính khốc liệt, nước mưa tập trung rơi với cường độ lớn, cuốn theo đất đá, cây cối và quét đi mọi vật có thể quét theo dòng chảy. Có hiện tượng lũ chồng lên lũ, nước lũ đợt này chưa rút, đã tiếp tục xuất hiện đợt lũ mới.

2. Điều kiện địa hình của các lưu vực sông càng làm gia tăng ngập lụt

          Chế độ thủy văn có nhiều thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên điều kiện địa hình của các lưu vưc sông là những nguyên nhân chính gây úng ngập kéo dài ở các vùng ven và hạ lưu sông.

         Các sông trong khu vực Nam Trung Bộ thường bắt nguồn từ dãy Trường sơn chảy ra biển không có vùng chuyển tiếp, nên khi có mưa lớn, lũ tập trung nhanh chảy về vùng đồng bằng gây ngập lụt ở các vùng ven và hạ lưu sông.

          Các lưu vực sông chủ yếu là loại vừa và nhỏ nên mức độ điều tiết của mặt đệm lưu vực kém, kết hợp với địa hình vừa ngắn vừa dốc nên lũ tập trung nhanh, lên nhanh, xuống nhanh, thời gian tập trung nước khoảng từ 6 - 12 giờ. Vùng thượng lưu có nguy cơ gây lũ quét, lũ ống; vùng đồng bằng nhỏ, hẹp, mức độ biến đổi địa hình lớn nên độ sâu ngập lụt lớn.

           Hiện nay ở một số sông trong khu vực, do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện nên qui luật dòng chảy tự nhiên bị phá vỡ, nếu điều tiết lũ hồ chứa không hợp lý, tình hình lũ lụt ở các sông ngày càng khắc nghiệt hơn. Đặc biệt đối với các sông có hệ thống liên hồ chứa như lưu vực sông Ba, sông Dinh Ninh Hoà…

         Ở vùng đồng bằng, các công trình giao thông cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến ngập lụt ở các vùng hạ lưu. Hai tuyến đường quan trọng là Quốc lộ I và đường sắt Bắc Nam đều cắt ngang hướng thoát lũ, đã làm chậm khả năng thoát lũ và tăng độ sâu ngập lụt phía thượng lưu các tuyến đường này.

Ngập lụt khu đô thị

Thiệt hại về giao thông do lũ lụt gây ra

           Cũng theo số liệu thống kê nhiều năm cho thấy các vùng hạ lưu trong khu vực Nam Trung Bộ đều thường xảy ra lũ lụt, trung bình mỗi năm có từ 2 - 4 trận lũ lớn như: vùng hạ lưu sông Lại Giang, sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ, sông Ba (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hoà, sông Cái Nha Trang (Khánh Hoà), sông Cái Phan Rang, sông Lu (Ninh Thuận), sông Cái, sông Cà Ty, sông La Ngà (Bình Thuận)…

          Các trận lũ lớn, thời gian duy trì ngập lụt thường kéo dài từ 2 - 3 ngày gây ngập nền nhà phổ biến từ 0,5 - 1,0m. ngập vườn phổ biến từ 0,8 - 1,2m, ngập ruộng phổ biến từ  1,0 - 1,5m, tại các vùng trũng, địa hình bị co thắt độ sâu ngập lụt có thể đạt từ 2,0 - 2,5m.

3. Cần có những giải pháp đồng bộ để thích ứng và phát triển bền vững.

          Qua phân tích xu thế biến đổi của các yếu tố khí tượng, thủy văn do tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bô, để có kế hoạch định hướng khai thác những tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động có hại của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, cần chú ý các vấn đề sau đây:

          - Cần ngăn chặn nguy cơ suy thoái môi trường, giữ gìn rừng bằng cách khai thác hợp lý, chống đốt, phá rừng đồng thời phục hồi, tái sinh và trồng thêm rừng mới, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn nhằm tăng khả năng giữ nước của mặt đệm cũng như khả năng cản lũ, chống xói mòn bề mặt các lưu vực sông, ngăn chặn sóng và xâm nhập mặn ở ven biển....

           - Tích cực tìm các biện pháp nhằm khai thác, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước, trong đó lưu ý biện pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cần xây dựng củng cố hệ thống hồ, đập để tích nước phục vụ cho nhu cầu dùng nước trong mùa khô và hạn chế lũ lụt trong mùa mưa.

           - Khi xây dựng đường giao thông, cần chú ý mở rộng khẩu độ thoát lũ cho phù hợp, chú ý hệ thống tiêu thoát nước thải, nước úng ngập trong thành phố.

          - Xây dựng hệ thống biển báo nguy hiểm ở các cầu tràn qua sông, qua suối, để hướng dẫn và cảnh báo cho nhân dân, tránh tư tưởng chủ quan.

          - Tuyên truyền giáo dục và nâng cao thức cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai, thường xuyên hướng dẫn cho cán bộ chủ chốt và lực lượng thanh niên xung kích ở các địa phương những kinh nghiệm để theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, để kịp thời báo động và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

                                                        KS Võ Anh Kiệt - Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ

 

Đã xem 7183 lần BackPrintTop
Thời tiết trong nước
Nha Trangi23-29°C TP Vinhi21-26°C
Đà Nẵngi23-26°C TP Hồ Chí Minhi23-28°C
Hà Nộii20-24°C Cần Thơi24-31°C
Thời tiết quốc tế
Ảnh Ra đa
anh rada
Ảnh vệ tinh
anh ve tinh
Mô hình DB
mo hinh du bao
Hỗ trợ trực tuyến

 lien he 01 
Phòng Thông tin và Dữ liệu. Điện thoại: 058.3829639
Mobile: 0935560234
Bài viết mới
Hình ảnh
  • khi tuong thuy vanGiao hữu cầu lông
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy vanHội nghị Công đoàn bộ phận KTTV Khánh Hòa giữa nhiệm kỳ 2012-2017
  • khi tuong thuy vanGiao hữu cầu lông
  • khi tuong thuy vanGiao hữu cầu lông